Nội dung
“Trong em và anh hôm nay
………………………….
Làm nên Đất Nước muôn đời”
Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân. Đoạn trích “Đất nước” được trích ở phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” là đoạn thơ thể hiện những cảm nhận mới mẻ của nhà thơ về đất nước trên nhiều bình diện. Đoạn thơ sau đây là những lời nhắn nhủ tâm tình về sự gắn bó và trách nhiệm của mỗi người với đất nước:
“Trong anh và em hôm nay,
…………………………..
Làm nên Đất Nước muôn đời”
Sau những cảm nhận mới mẻ và sâu sắc của nhà thơ về đất nước qua những phương diện không gian - địa lý, thời gian - lịch sử, phong tục - văn hóa,… tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã đi đến khẳng định :
“Trong anh và em hôm nay,
Đều có một phần Đất Nước”
Đất nước đã hóa thân vào mỗi con người, bởi chúng ta đều là con Rồng, cháu Tiên, đều sinh ra và lớn lên trên đất nước này. Mỗi người Việt Nam đều đã và đang thừa hưởng những giá trị vật chất, tinh thần của đất nước. Đất nước đã thành máu thịt, tâm hồn, nếp cảm, nếp nghĩ và cách sống của mỗi người chúng ta. Mỗi người là một phần không thể thiếu đã làm nên đất nước muôn đời. Đất Nước chính là chúng ta.
Tiếp đến, từ việc khẳng định đất nước hóa thân và kết tinh trong cuộc sống của mỗi người, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nói về mối quan hệ gắn bó sâu sắc của mỗi người với đất nước bằng những câu thơ giàu chất chính luận:
“Khi hai đứa cầm tay... Đất Nước vẹn tròn, to lớn”
Giữa tình yêu và niềm tin, đồng thời kết hợp sử dụng các tính từ “hài hòa, nồng thắm”; “vẹn tròn, to lớn” đi liền nhau theo thủ pháp tăng tiến; đặc biệt là kiểu câu cấu tạo theo hai cặp đối xứng về ngôn từ (“Khi/ Khi; Đất Nước/ Đất Nước), nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc bức thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc: đất nước là sự thống nhất hài hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, giữa cá nhân với cộng đồng. Tình yêu nước to lớn bắt nguồn từ những tình cảm chân thành và nhỏ bé nhất.
Thế nhưng, không chỉ khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa Đất nước và nhân dân, giữa tình yêu cá nhân với tình yêu lớn của đất nước, nhà thơ còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng, vào sự tất thắng của sức mạnh chính nghĩa:
“Mai này con ta lớn lên... Đến những tháng ngày mơ mộng”.
Thế hệ sau “con ta lớn lên... sẽ mang Đất Nước đi xa- Đến những tháng ngày mơ mộng”. Đất nước sẽ đẹp hơn, những tháng ngày mơ mộng ở hiện tại sẽ trở thành hiện thực ở ngày mai. Và khi đã hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của đất nước, nhà thơ muốn nhắn gửi với mọi người: “Em ơi em đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ...Làm nên Đất Nước muôn đời…”.
Bằng cách sử dụng câu cầu khiến, điệp ngữ “phải biết - phải biết” nhắc lại hai lần cùng các động từ mạnh “gắn bó, san sẻ, hóa thân” nhà thơ như nhắn nhủ mình, nhưng cũng là nhắn nhủ với mọi người, nhất là thế hệ trẻ về trách nhiệm thiêng liêng của mình với đất nước. Cái hay là lời nhắn nhủ mang tính chính luận nhưng lại không giáo huấn mà vẫn rất trữ tình, tha thiết như lời tự dặn mình - dặn người của nhà thơ. Tóm lại, đây là một trong những đọan thơ hay và sâu sắc trong “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Bởi lẽ, qua đọan thơ, nhà thơ đã giúp cho chúng ta hiểu hơn về sự gắn bó giữa mỗi người với đất nước. Từ đó, ý thức hơn về trách nhiệm của mỗi người với đất nước quê hương. Đồng thời, đoạn thơ cũng giúp ta thấy được vẻ đẹp trong phong cách thơ trữ tình- chính luận của nhà thơ.