- Chính Hữu (1926 – 2007) tên thật là Trần Đình Đắc, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh
- Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn KC chống Pháp.
- Chính Hữu viết hay về tình đồng chí, đồng đội – một trong những tình cảm chân thành, thiêng liêng, cao đẹp của con người.
2. Tác phẩm
a) Hoàn cảnh ra đời
Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào đầu năm 1948, sau chiến dịch Việt Bắc (thu - đông năm 1947) và được in trong tập “Đầu súng trăng treo”.
b) Chủ đề
Bài thơ là lời ca ngợi tình đồng đội, đồng chí cao cả, thiêng liêng giữa các anh bộ đội cụ Hồ. Họ là những người nông dân yêu nước khoác lên mình áo lính trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
c) Bố cục: 3 phần
- BẢY câu thơ đầu: cơ sở hình thành tình đồng chí
- MƯỜI câu thơ tiếp theo: những biểu hiện cao đẹp của tình đồng chí
- BA câu thơ cuối: bức tranh đẹp về tình đồng chí – biểu tượng cao cả của những người chiến sĩ
d) Ý nghĩa nhan đề
- Người nghệ sĩ đặt tên cho đứa con tinh thần của mình đều có dụng ý cả. Nhan đề ấy không chỉ là đề tài mà còn gắn với tư tưởng, ý nghĩa nội dung tác phẩm.
- Chính Hữu đặt tên cho bài thơ của mình là “Đồng chí”, không chỉ có ý nghĩa viết về những con người cùng chung lí tưởng, chí hướng mà sâu sắc hơn, ông muốn viết về tình đồng đội, về những con người “đồng cam cộng khổ”, đồng sức chung lòng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
- Tình đồng chí, đồng đội là chỗ dựa tinh thần để người lính tồn tại, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, để chiến đấu và chiến thắng. Tình cảm cao đẹp này đã trở thành nguồn cảm hứng lớn nhất, dồi dào nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này.
Soạn bài Đồng Chí (tiếp)
II. PHÂN TÍCH
1. CƠ SỞ HÌNH THÀNH TÌNH ĐỒNG CHÍ
a) Cùng chung thành phần xuất thân
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
Ở đây, tác giả đã phát hiện được hiện tượng tình cảm kì lạ ở những người chiến sĩ. Đó là những con người rất “xa lạ" trong đời sống lại trở thành những đồng chí rất thân thương trong chiến đấu. Nhà thơ đã chọn lựa những chi tiết, những hình ảnh thơ rất chân thực để gợi tả về cuộc sống của người chiến sĩ. Họ đều xuất thân từ những vùng đất khô cằn, nghèo khó “nước mặn đồng chua", “đất cày lên sỏi đá”. Hình ảnh những phương trời xa cách, những con người “chẳng hẹn quen nhau" ấy nói lên cả một sự xa cách về khoảng cách địa lý và tình cảm. Nhưng khi tham gia kháng chiến, những con người “xa lạ” ấy đã cùng nhau chiến đấu, cùng chịu đựng gian khổ, kề vai sát cánh bên nhau.
Chính Hữu đã có cách sắp xếp ngôn từ rất đặc biệt. Câu đầu tiên, đại từ “anh” xuất hiện; câu hai là đại từ “tôi”; nhưng đến câu ba thì “anh với tôi” đứng cùng một dòng thơ. Quan hệ từ “với” diễn tả sự gắn bó, liên kết. Như vậy, hai con người xa lạ đã liên kết với nhau, gắn bó thân quen, đứng cùng một đơn vị, một đội ngũ. Vì thế, họ trở nên thân nhau, hiểu nhau, thương nhau và gọi nhau là “đồng chí”.
b) Cùng chung lí tưởng, mục đích cao cả
“Súng bên súng đầu sát bên đầu”
Nhà thơ đã xây dựng hai hình ảnh sóng đôi: “súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Hình ảnh này gợi lên mối quan hệ gắn bó, gần gũi. Những người lính cùng chung kẻ thù, cùng chung nhiệm vụ đánh giặc. Quan trọng hơn, ta phát hiện ra rằng tình đồng chí được hình thành và phát triển trên cơ sở những con người cùng chung lý tưởng, chí hướng.
c) Cùng chung khó khăn, gian khổ
“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”
Tình đồng chí, đồng đội không những được khám phá trong sự giống nhau về lý tưởng mà nó còn được thể hiện trong nét đẹp của sự “đồng cam cộng khổ” – “ đêm rét chung chăn”. Trong hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt, những người lính đã chia sẻ hơi ấm, dùng tình yêu thương để giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Tình cảm ấy thật thân thương, tha thiết.
Từ những điều cụ thể, giản dị, Chính Hữu đã gọi lên hai tiếng “Đồng chí” thân thương. Từ “đồng chí” lại được tách thành một câu riêng, một đoạn riêng. Với cấu trúc thơ đặc biệt khác thường ấy, tác giả đã làm nổi bật ý thơ. Nó như một nốt nhấn của bản nhạc, bật lên âm hưởng gây xúc động lòng người. Câu thơ “Đồng chí!” được xem như một “bản lề” có tác dụng khép lại ý thơ trên và mở ra ý thơ dưới. “Đồng chí” quả thực là hai tiếng gọi vô cùng thiêng liêng về tình đồng đội cao đẹp.
2. NHỮNG BIỂU HIỆN CAO ĐẸP CỦA TÌNH ĐỒNG CHÍ
a) Thấu hiểu những tâm tư, nỗi lòng của nhau
"Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay"
Cái chất nông dân thuần phác của những anh lính mới đáng quý làm sao! Họ lớn lên trong những "gian nhà không mặc kệ gió lung lay". Tuy vậy, họ vẫn yêu, yêu lắm chứ những mảnh đất thân quen, những mái nhà thân thuộc.... Nhưng họ đã vượt qua chân trời của cái tôi bé nhỏ để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Họ đã lại sau lưng tất cả nhưng bóng hình của quê hương vẫn mãi là nỗi nhớ khôn nguôi của mỗi người lính. Dù "mặc kệ" nhưng trong lòng họ, vị trí của quê hương vẫn bao trùm tất cả mọi kỉ niệm:
"Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính"
Sự nhớ mong chờ đợi của quê hương với những chàng trai ra đi tạo cho hồn quê có sức sống mãnh liệt hơn. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa “giếng nước gốc đa” cũng biết thương nhớ khôn nguôi đối với những người lính. Câu thơ tự nhiên, gần gũi nhưng vẫn diễn tả được tình cảm tha thiết, nồng nàn. Thật ra những người lính rất yêu quê nhà nhưng họ biết đặt tình yêu nước lên trên tình cảm cá nhân ấy. Như vậy, biểu hiện cao đẹp đầu tiên của tình đồng chí là ở sự cảm thông, thấu hiểu tâm tư nỗi lòng của nhau.
Soạn bài Đồng Chí (tiếp tục)
b) Thấu hiểu những khó khăn, gian khổ của nhau
"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày"
Thời kì ấy, đất nước ta còn nghèo, bộ đội ta còn thiếu thốn rất nhiều quân trang. Họ phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng - “sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”, đối mặt với những cái lạnh thấu xương của màn đêm,.... Tư trang của những người lính chỉ có vỏn vẹn chiếc áo “rách vai”, cái quần thì có “vài mảnh vá”, “chân không giày” nhưng họ vẫn vững lòng theo kháng chiến, vẫn tươi cười mặc dù nụ cười ấy là nụ cười “buốt giá”. Tình đồng chí đồng đội quả thật càng trong gian khổ lại càng tỏa sáng. Nó gần gũi mà chân thực, không giả dối. Tình cảm ấy đã lan tỏa trong lòng của tất cả những người lính kháng chiến.
c) “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Một chi tiết tuy giản dị nhưng gây xúc động vô cùng. Trong đêm khuya băng giá, những người lính cùng nắm tay nhau. Đó là cái nắm tay của sự gắn kết thân mật, yêu thương. Họ như đang truyền hơi ấm cho người đồng đội của mình. Tình đồng chí ấy cao cả biết bao!
3. BỨC TRANH ĐẸP VỀ NGƯỜI LÍNH CHỐNG PHÁP
Tình “đồng chí” lại được lắng đọng bằng hình ảnh đẹp rực sáng ở khổ cuối bài thơ:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới"
Nhịp thơ đều đều cô đọng tất cả nét đẹp của những người lính. Đó cũng chính là vẻ đẹp ngời sáng trong gian khổ của người lính. Vượt lên trên tất cả, tình đồng đội, đồng chí như được sưởi ấm bằng những trái tim người lính đầy nhiệt huyết. Họ vẫn đứng canh giữ cho bầu trời Việt Nam dù đêm đã khuya, sương đã xuống, màn đêm cũng chìm vào quên lãng. Hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ bỗng trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn. Họ “đứng cạnh bên nhau” trong tư thế sẵn sàng chiến đấu – “chờ giặc tới”. Nhưng xen vào cái chân thực của cả bài thơ, câu thơ cuối cùng thắm đượm chất trữ tình, lãng mạn:
"Đầu súng trăng treo"
Một hình ảnh nên thơ, lãng mạn nhưng cũng đậm chất chân thực. Đây là một sự quyện hòa giữa không gian và thời gian, giữa ánh trăng và người lính. Cái thực đan xen vào cái mộng, chất trữ tình hòa vào chất cách mạng. Súng của họ hướng mũi lên trời, có ánh trăng lơ lửng như treo chơi vơi trên đầu ngọn súng. “Đầu súng” là biểu tượng cho chiến tranh gian khổ, khốc liệt. Còn “trăng” là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, tự do, hạnh phúc. Hai hình ảnh đối lập nhau như thế mà được đặt cạnh nhau trong cùng câu thơ chứng tỏ người lính đang cầm chắc tay súng để tâm hồn mơ về hòa bình. Độ rung động và xao xuyến của cả bài thơ có lẽ chỉ nhờ vào hình ảnh ánh trăng này. Tình đồng chí cũng thế, nó lan tỏa trong không gian, xoa dịu nỗi nhớ, làm vơi đi cái giá lạnh của màn đêm. Thiêng liêng biết nhường nào hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ đã " kề vai sát cánh" cùng nhau chiến đấu giành độc lập. Họ quả là những người “đồng chí” vừa có tinh thần thép, vừa có tâm hồn trong sáng, tuyệt đẹp.
4. ĐÁNH GIÁ (Nội dung + Nghệ thuật)
Tóm lại, toàn bộ bài thơ được đúc kết bằng ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh chân thực, mộc mạc có sức khái quát cao. Chính Hữu đã cho ta thấy rõ quá trình phát triển của một tình cảm cách mạng trong quân đội – đó là “tình đồng chí”. Ở đây, nhà thơ đã xây dựng hình ảnh thơ từ những chi tiết tả thực của cuộc sống đời thường ở những người chiến sĩ, không lãng mạn hóa. Và chính những nét thực đó tạo nên sự thành công cho tác phẩm. Có thể thấy bài thơ đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
III. TỔNG KẾT
Đọc xong bài thơ, chúng ta đã cảm nhận được tình đồng chí đậm đà qua những lời thơ nhẹ nhàng, tha thiết tựa như một bài hát tâm tình của Chính Hữu.
Tôi là Trần Lai hiện đang là Co-Founder của Gia Sư Minh Trí. Trong blog của mình tôi chia sẻ các phương pháp học tập hiệu quả, các bài văn hay, thông tin về tác giả, tác phẩm để quý thầy cô, quý phụ huynh và các em học sinh tham khảo. Hi vọng sẽ giúp ích cho quý độc giả