Nội dung
Khi nói về cuộc đời của Hàn Mặc Tử, Chu Văn Sơn có những so sánh rất hay rằng “Trời xanh và Cát trắng. Tươi đẹp và Khổ nghèo. Thanh cao và Dữ dội. Ngọt bùi và Đắng cay. Tài hoa và Bất hạnh. Những đối cực của miền Trung đã va xiết theo một quy luật huyền bí nào đó mà nhào nặn nên một cốt cách thơ”(Chu Văn Sơn). Mất cha từ nhỏ, Hàn Mặc Tử lớn lên trong sự vất vả lo toan của mẹ, nhưng khi đang trong những năm tháng tươi đẹp của tuổi trẻ, căn bệnh phong quái ác đến và cướp đi tự do và hạnh phúc của nhà thơ tài hoa ấy. Dù cho ở mọi lúc mọi nơi, cái chết đang chờ, tiếng kêu vẫn không cất lên từ cõi chết mà từ khát vọng sống đầy mãnh liệt, còn sống là còn yêu, còn thương, còn nhớ.
Và khi nhắc đến nhà thơ Hàn Mặc Tử, người đọc liền nhớ đến tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ”. Bài thơ này được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới. Bởi lẽ, văn bản này im đậm dấu ấn sáng tạo nghệ thuật, truyền tải được những quan niệm mới mẻ về con người, cuộc đời và văn chương của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tìm hiểu bài thơ ở từng câu, từng chữ, từng hình ảnh, nhịp điệu… người đọc hiểu hơn về điều đó.
Bài thơ được sáng tác khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh nặng, không có cơ hội trở về với cuộc sống đời thường, biểu hiện rõ tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. Khổ thơ đầu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” mở ra khung cảnh thôn Vĩ mang sắc màu tươi sáng:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Mở đầu bài thơ vang lên một câu hỏi, vừa như một lời trách móc nhẹ nhàng, vừa mời gọi tha thiết người xưa trở về chốn cũ. Phải chăng thi nhân đang tự phân thân để hỏi chính mình, hỏi để gợi nhắc đến một việc phải làm, đáng phải làm, mà chẳng biết giờ đây có còn cơ hội để thực hiện nữa không, để tạo nên một cái cớ gợi thức đưa mình trở lại vùng đất nơi xứ Huế thơ mộng bằng con đường hoài niệm. Hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí là “nắng hàng cau” – vẻ tinh khôi, trong trẻo thanh khiết của ánh nắng ban mai. Nắng nhuộm vàng trên những đọt cau còn mát đẫm sương đêm. Bao nhiêu cái vẻ óng ả, mượt mà, đầy xuân sắc được gợi trong một từ “mướt”, cùng hòa quyện trong sắc xanh dịu mát và tỏa sáng lung linh “xanh như ngọc”. “Hàn Mặc Tử có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng”. Và rồi bóng dáng con người bỗng xuất hiện thấp thoáng giữa một không gian sáng tỏ tạo cho cảnh một sự hấp dẫn – cảnh của sự mời gọi, dù là mời gọi trong kí ức.
Thiên nhiên và con người hài hòa với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo mà thâm trầm của xứ Huế, cảnh sắc bình dị mà thanh khôi, đơn sơ mà thanh tú, nghiêng về cõi thực. “Những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hố nhất của tâm hồn”(Nguyễn Đăng Mạnh) mà Hàn Mặc Tử gửi gắm vào những vần thơ là nỗi khát khao, là niềm say đắm mãnh liệt được trở về với vườn Vĩ, với thế giới bên ngoài. Đó là một khao khát thành thực da diết nhưng cũng đầy băn khoăn.
Tinh thần sống, niềm khát khao sống, lòng yêu đời mạnh liệt mà Hàn Mặc Tử gửi gắm trong sáng tác của mình đã làm thức dậy trong lòng người đọc một nguồn sống mới, mạnh mẽ và bền bỉ. Chúng ta cần phải sống như thế nào để không phải uổng phí những năm tháng của tuổi trẻ ?
Tham khảo từ khóa tìm kiếm bài viết từ google: