Ở cạnh nhà tôi có một trường mẫu giáo, hồi nhỏ tôi và các bạn của tôi đều đi học ở đấy. Sau đó hai năm, em gái tôi cũng học ở đấy và đến tận bây giờ khi tôi đã vào học Đại học, em gái tôi lên lớp 11, thằng út nhà tôi cũng vẫn học ở đấy, năm nay nó mới 4 tuổi. Nhưng câu chuyện tôi muốn kể không phải là về sự tồn tại bền vững của ngôi trường mẫu giáo, mà là con người gắn bó với ngôi trường đó.
Cô Hà-người giáo viên mầm non đã dạy biết bao thế hệ con nít trong ấp chúng tôi. Tôi không nhớ trước tôi hay sau tôi cô đã dạy bao nhiêu lớp trẻ nhưng chỉ biết từ ngày tôi “bị trục xuất” lên lớp 1 cho đến bây giờ đã là 13 năm mà cô thì vẫn ở đấy. Tôi, em gái tôi, rồi em trai út của tôi nữa, cả ba đứa đều qua bàn tay chỉ dẫn của cô hết. Những ngày tôi không đi học, mẹ nhờ tôi đưa thằng em út qua trường, nó cũng nhai nhải theo “qua lớp cô Hà học đi..!” những lúc đó, tôi được gặp lại cô. Cô hỏi thăm tôi rồi mấy đứa bạn đồng trang lứa với tôi mà ngày đó cô từng dạy, và lần nào cũng có một câu quen thuộc “chà! Nhớ ngày nào mới dạy nó đây mà giờ lớn tới Đại học rồi đó”. Phải rồi, tôi thì đã lớn và vươn tới những môi trường học tập mới, còn cô, cô vẫn gắn bó ở đây. Phải là một tình yêu nghề, yêu trẻ thì mới thế, tôi không nói đến vì đồng tiền. Vì nếu chỉ vì đồng tiền cô đã xin ở một chỗ khác ngoài khu dân cư Lục Quân, hay Thiết Giáp cho rồi, vừa gần nhà, vừa được năng suất hơn chứ không xin ở trong ấp Long Đức 2 (một ấp thuộc xã Tam Phước, tp Biên Hòa) của chúng tôi mà ngày nào cũng phải đi vào khoảng chục cây số đường đất trong suốt 13 năm qua.
Có khi tôi ngồi ở nhà, vẫn nghe thấy tiếng của cô. Những tiếng ấy vừa là lời dạy, vừa là mệnh lệnh của cô mà bao đời trẻ trong đó có tôi được nghe. Cô ngân giọng:“Bé ngoan!” và các em đồng thanh đáp lại “ngồi đẹp!” và sau đó tôi biết chắc rằng, em nào em nấy sẽ ngồi khoanh chân lại rất chỉ tề. Cả những bài thơ thiếu nhi rất đỗi quen thuộc mà tôi từng đọc vanh vách, đến thằng em tôi nó cũng biết đọc luôn. Cô luôn bắt một câu đầu, rồi mấy câu sau là chúng tôi đọc được:
-“Bài thơ nàng tiên ốc”
-“Xưa có bà già nghèo
Chuyên mò cua bắt ốc
Một hôm bà bắt được
Một con ốc xinh xinh
Vỏ nó biêng biếc xanh
Không giống như ốc khác
Bà thương không muốn bán
Bèn thả vào trong chum
.[...]
Cứ vẫn kiểu dạy bắt xướng lên cách ngẫu nhiên như thế, mà biết bao thế hệ đã thấy thích thú. và trưởng thành lên từ đấy!
Nhiều anh chị gia sư tại các trung tâm gia sư ở Biên Hòa hay nói là con nít rất khó dạy, nó hay quên lắm, cứ nhắc nhớ được xíu, nghe lời xíu, rồi lại quên, có nói nó nó cũng đờ đờ ra không à. Tôi không biết được cách dạy họ như thế nào nên cũng chẳng dám nói nhưng ở cô Hà, là người mà tôi từng được học qua có những phương pháp rất dân dã (tất nhiên là sau này lớn tôi mới hiểu được), lấy niềm vui thích của nó là hướng chính, cô chỉ hay cho đọc thơ, vè, hát mấy bài hát thiếu nhi theo kiểu bắt xướng, rồi hay cho chúng vẽ, xếp hình là nhiều. Lâu lâu thì chơi kéo tàu hỏa, rồng rắn lên mây, và cứ lặp đi lặp lại nhiều những cái ấy. Riết dần chúng cứ thuộc làu làu mà chẳng hiểu sao lại không thấy chán.
Tôi nghĩ, mấu chốt nằm ở sự kiên trì, không nên nản, cứ làm lặp đi lặp lại nhiều lần, các em cũng sẽ nhớ, mà không chỉ nhớ thôi mà còn nhớ dai nữa, y như tôi hiện tại, mấy bài thơ, bài vè từ thời mẫu giáo vẫn thuộc.
Trong quảng thời gian tới, khi làm gia sư tại Biên Hòa và xa hơn là thầy giáo tương lai tôi nghĩ, bên cạnh sự yêu nghề thì sự kiên trì cũng rất quan trọng để mình có thể gắn bó được với nghề này, như cái cách cô Hà đã gắn bó được suốt bao năm.
Hotline: 0919.47.12.47 ( Thầy Lai)
Tôi là Trần Lai hiện đang là Co-Founder của Gia Sư Minh Trí. Trong blog của mình tôi chia sẻ các phương pháp học tập hiệu quả, các bài văn hay, thông tin về tác giả, tác phẩm để quý thầy cô, quý phụ huynh và các em học sinh tham khảo. Hi vọng sẽ giúp ích cho quý độc giả